Thiền Sư Dạy Bắn Chim
Trong bộ sử thi cổ điển Ấn Độ Mahabharata có câu chuyện về một vị thầy và ba người học trò. Vị thầy dạy các học trò về thiền định, đưa cho họ cung tên làm phương tiện để kiểm tra khả năng trình độ của họ sau thời gian tu học. Vị thầy cầm một con chim, chỉ là con chim giả, và gắn nó đậu trên cành một cây ở tầm cách xa chỗ ba học trò đang đứng. Cần phải có một trình độ cực kỳ thiện xạ mới có thể bắn xuyên con chim ở khoảng cách đó. Nhưng người thầy còn chỉ thị cho ba học trò một bài thi hầu như bất khả thi: “Ta không muốn các anh bắn trúng vào bất cứ chỗ nào trên thân chim. Muốn vượt qua bài thi này, các anh cần phải bắn đúng ngay mắt trái của con chim. Đó là mục-tiêu”. Vị thầy đưa cung tên cho học trò và dặn rằng họ nên thiền định trước, làm cho tâm hợp-nhất thành một với mục tiêu, và chỉ khi nào làm được như vậy thì mới bắn. Học trò có quyền thiền và nhắm trong thời gian bao lâu cũng được, nhưng ngay trước khi bắn phải ra hiệu cho người thầy biết. Ba mươi phút sau, thí sinh đầu tiên ra dấu cho thầy là mình sắp bắn. Vị thầy bảo hãy chờ vài giây, và hỏi học trò: “Anh có thấy con chim trên cây không?”. Không rời mắt nhắm khỏi mục tiêu, học trò trả lời: “Dạ có”. Ngay lúc đó, người thầy đuổi người học trò đó ra, lấy lại cung tên và bảo: “Anh là đứa học trò ngu!. Về học lại về thiền đi”. Vị thầy đưa cung tên cho học trò tiếp theo. Mất hơn một tiếng đồng hồ thiền định và chú tâm, người thứ hai ra hiệu cho thầy rằng mình chuẩn bị bắn. Vị thầy hỏi: “Anh có thấy con chim trên cái cây không?. Học trò đáp lại: “Cây nào?”. Người thầy mừng thầm và hỏi tiếp: “Thế anh có thấy con chim không?”. Người trò trả lời: “Dạ có”. Vậy là người thầy thất vọng và đuổi người thứ hai ra luôn, lấy lại cung tên và bảo rằng: “Anh hãy về học lại cách thiền một cách đúng đắn”. Cuối cùng, vị thầy giao lại cung tên cho người học trò thứ ba. Người này tập trung thiền suốt hai giờ, hợp-nhất tâm mình thành một với mục-tiêu: con mắt-trái của chim. Rồi anh ta ra dấu cho thầy rằng mình sắp bắn. Vị thầy hỏi: “Anh có thấy con chim trên cây không?”. Học trò đáp: “Cây nào?”. Người thầy hỏi tiếp: “Anh có thấy con chim không?”. Học trò trả lời: “Chim nào?”. Vị thầy mỉm cười và tiếp tục hỏi: “Vậy anh thấy gì?”. Không rời mắt khỏi mục tiêu, học trò đáp ngay: “Thưa thầy, tất cả những gì con thấy là tròng mắt-trái của con chim, chỉ vậy thôi”. Người thầy hô lên: “Tuyệt lắm!. Bắn!”. Và dĩ nhiên, mũi tên xuyên thẳng vào mục tiêu duy nhất nằm trong sự chú tâm tỉnh giác của người học trò đó.
>Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ<
Nhận xét
Đăng nhận xét