Phật sống và thợ làm bồn tắm
Các thiền sư cho giáo huấn cá nhân trong một phòng kín. Không ai vào phòng được khi thầy và trò đang ở trong đó.
Mokurai, thiền sư của thiền viện Kennin ở Kyoto, thích nói chuyện với các doanh nhân, nhà báo, cũng như với đệ tử của mình. Có một anh thợ làm bồn tắm gần như là thất học. Anh ta hay hỏi Mokurai một mớ các câu hỏi khùng điên, uống trà, rồi đi.
Ngày nọ khi anh thợ làm bồn tắm đang ở đó Mokurai muốn giáo huấn cá nhân cho một đệ tử, nên thiền sư bảo anh thợ sang phòng khác đợi.
“Tôi biết thầy là một vị Phật sống,” anh ta phản đối. “Ngay cả các ông Phật đá trong chùa không bao giờ từ chối bao nhiêu người đến trước các vị. Vậy tại sao tôi lại bị mời ra?”
Mohurai phải đi ra khỏi phòng để gặp học trò.
.
.
Bình:
• Mokurai, Takeda Mokurai (1854-1930), là Tiếng Sấm Tĩnh Lặng chúng ta đã nói đến trong bài Tiếng vỗ của một bàn tay.
• Dĩ nhiên là anh chàng thợ làm bồn tắm này vừa sai, vừa bất lịch sự, vừa gàn.
Chịu thua là thượng sách. Người thông thái biết khi nào nên thua.
• Ở một góc độ tâm linh nào đó, anh gàn này có thể đúng: Phật sống thì phải tử tế hơn Phật đá. Đó tâm thượng thừa của Phật.
Trong các vấn đề tâm linh, phải chăng những người ít học và ngay thẳng lại có được mắt trí tuệ (tuệ nhãn) hơn đa số mọi người có học?
Phải chăng đó cũng là lý do tại sao nhiều vị khoa bảng bằng cấp cao lại không quan tâm gì đến vấn đề tâm linh—cho đó là chuyện nhảm nhí hay mê tín dị đoan chỉ vì không lý giải được hết bằng lý luận hay chứng minh được hết bằng khoa học–và ngược lại những người bình dân ít học lại thường chăm chú vào tâm linh hơn?
Phải chăng đó cũng là lý do lục tổ thiền tông Huệ Năng, không biết chữ, không học kinh sách bao giờ, nhưng khi nghe người hàng xóm đọc Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì hốt nhiên đại ngộ?
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
Nhận xét
Đăng nhận xét