Không làm, không ăn
Hyakujo, thiền sư người Trung quốc, thường làm việc lao động với các học trò ngay cả khi cả đã tám mươi, dọn vườn, cắt cỏ, tỉa cây.
Các học trò lo lắng thấy vị thầy già làm việc cực quá, nhưng họ biết thầy chẳng nghe lời khuyên của họ mà nghỉ ngơi, nên họ dấu đồ nghề làm vườn.
Các học trò lo lắng thấy vị thầy già làm việc cực quá, nhưng họ biết thầy chẳng nghe lời khuyên của họ mà nghỉ ngơi, nên họ dấu đồ nghề làm vườn.
Ngày đó sư phụ chẳng ăn. Ngày kế tiếp thầy cũng chẳng ăn, và ngày kế tiếp cũng vậy. “Có lẽ thầy giận mình đã dấu đồ nghề,” các học trò đoán, “Mình phải trả lại thôi.”
Ngày họ trả lại đồ nghề, thầy làm việc và ăn như trước đó. Tối đó thầy dạy học trò: “Không làm, không ăn.”
.
.
Bình:
• Thiền sư già này là Bách Trượng Hoài Hải, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất, một trong ba người có ảnh hưởng lớn nhất trong Thiền tông–Sư tổ Bồ Đề Đạt Đa, Lục tổ Huệ Năng, Mã Tổ Đạo Nhất.
Sau khi Mã Tổ sáng lập tu viện Tòng Lâm, Bách Trượng Hoài Hải nối tiếp lập ra hệ thống các quy tắc trong tu viện. Chủ trương cuộc sống “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Ngày nào không làm, ngày đó không ăn) của Bách Trượng từng gặp nhiều khó khăn, bị chỉ trích vì trái với quy củ, giới luật trước đây của người tu hành Phật Giáo, thậm chí có người còn cho sư là kẻ ngoại đạo.
• Thiền tông từ đó trở thành tích cực hơn. Các thiền sư có lối sống “vào đời” rất tích cực. Các vị không chỉ ngồi thiền cả ngày, chẳng làm gì như mọi người lầm tưởng. Thiền có thể thực hành mỗi giây phút, dù ta đang làm việc gì. Thiền không có nghĩa chỉ là ngồi Thiền.
• Ngay trong hàng khất sĩ, khất thực (xin ăn) là một loại tu tập tích cực hàng ngày. Đi khất thực là một công việc khó khăn, để tu tập hạnh khiêm tốn và tĩnh lặng cho mình, đồng thời giúp mọi người thực hành hạnh bố thí.
• “Không làm, không ăn” hay “làm để ăn” là quy luật tự nhiên. “Sống là làm”—đây là một triết lý tự nhiên về hoạt động tích cực trong đời sống.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
Nhận xét
Đăng nhận xét