Đường thật

Trước khi Ninakawa qua đời thiền sư Ikkyu đến thăm ông. “Tôi dẫn độ cho anh nhé?” Ikkyu hỏi.
Ninikawa trả lời: “Tôi đến đây một mình và tôi đi một mình. Thiền sư giúp tôi được gì?”
Ikkyu nói: “Nếu anh nghĩ là anh thật có đến và đi, đó là ảo tưởng của anh. Để tôi chỉ cho anh con đường trên đó chẳng có đến, chẳng có đi.”
Với các lời giảng, Ikkyu đã chỉ ra con đường rõ ràng đến nỗi Ninakawa mỉm cười và từ trần.
.
Bình:
• Ikkyu chính là người con trai nhận di chúc của mẹ trong bài Di Chúc ta đã nói qua. Người ta nói rằng Ikkyu là con không chính thức của Thiên hoàng Go-Komatsu.
Ikkyū (一休宗純 Ikkyū Sōjun, 1394-1481) là một thiền sư và thi sĩ lập dị hàng đầu trong lịch sử Thiền tông Nhật Bản. Ikkyu học nhiều thầy, nhưng không thích chùa chiền và cái mà Ikkyu cho là đạo đức giả và sự lười biếng của các nhà sư, nên chỉ sống lang thang ngoài đường. Tuy vậy Ikkyu vẫn có nhiều bạn bè trong giới thi ca và nghệ sĩ.

Ikkyu thích ăn ngon, thi ca, âm nhạc, và công khai ca tụng tình dục (sex) như là một phần tự nhiên của đời sống con người. Ikkyu có người yêu là cô ca kỹ mù Mori và làm một số bài thơ về nàng. Người ta cho rằng Ikkyu là người đã tạo ra truyền thống Thiền Chỉ Đỏ (Red Thread Zen), một nhánh của thiền Lâm Tế chấp nhận tình dục (sex) và cho phép các sư và ni được lập gia đình.
Dù Ikkyu thích đi lang thang và không ưa chùa chiền, khi chùa Daitoku-ji, một chùa Lâm Tế lớn ở Tokyo, bị hủy hoại trong trận nội chiến Ōnin (応仁の乱 Ōnin no Ran, 1467 – 1477), Thiên hoàng Go-Tsuchimikado chỉ định Ikkyū làm sư trụ trì. Ikkyu bất đắc dĩ phải nhận lời, và có công rất lớn trong việc gầy dựng chùa này trở lại. Chức vụ này cũng đặt Ikkyu vào vị trí truyền nhân chính thức và quan trọng của dòng thiền Lâm Tế.
Ikkyu có ảnh hường rất lớn trong văn hóa phổ thông của Nhật ngày nay. Các trẻ em xem Ikkyu là một anh hùng, thường xuyên phê phán quan chức sư sãi. Có rất nhiều sách truyện và phim hoạt hoạ trẻ em nói về cuộc đời Ikkyu.
Ikkyu cũng ảnh hưởng nhiều đến thi ca và nghệ thuật Nhật và góp phần lớn trong việc đưa Thiền vào mọi lãnh vực của đời sống Nhật.
Ikkyu đã nói gì với Ninakawa?
Dĩ nhiên là ta không biết. Tuy nhiên, Ikkyu có để lại nhiều bài thiền thi, trong đó bài nổi tiếng nhất là “Các Bộ Xương” (Skeletons), tóm tắt những điều quan trọng để “để lại” như là một di chúc. Có lẽ điều gì đó Ikkyu đã nói với Ninakawa cũng không ngoài bài thơ này. Bài thơ nói sâu hơn về các điểm mà mẹ của Ikkyu đã để lại cho Ikkyu trong chúc thư ngắn ngủi của bà nhiều năm về trước, chứng tỏ là lời mẹ đã không bao giờ phai trong lòng Ikkyu.
Các Bộ Xương, một tuyệt tác văn chương, với đạo pháp sâu sắc:

Các bộ xương

Này các thiền sinh, hãy tọa thiền chăm chỉ, và các bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi thứ sinh ra trên đời này rốt cuộc chỉ là không, kể cả chính ta và mặt mũi nguyên thủy của hiện hữu. Tất cả mọi thứ đều từ không mà ra. Cái không nguyên thủy là “Phật”, và tất cả các từ tương tự khác — Phật tính, Phật vị, Phật tâm, Giác Ngộ, Tổ, Thượng đế — chỉ là những cách diễn tả khác nhau của cùng một cái không. Hiểu sai điều này thì bạn sẽ rơi vào địa ngục.
Một đêm… một bộ xương thảm hại hiện ra và nói những lời này:
Một cơn gió thu buồn rầu
Thổi qua thế giới
Cỏ tranh dợn sóng,
Trong khi chúng ta trôi đến đầm lầy,
Trôi ra biển.
Làm được gì
Với tâm trí của một người
Lẽ ra thì nên sáng
Nhưng dù hắn choàng áo thầy tu
Hắn chỉ để cuộc đời vuột qua hắn?
Gấn sáng tôi thiếp đi, và trong mơ tôi thấy tôi bị nhiều bộ xương bao vây… Một bộ xương đến gần tôi và nói:
Ký ức
Bỏ chạy và
Không còn hiện diện.
Tất cả đều là những giấc mơ trống rỗng
Chẳng ý nghĩa gì.
Vi phạm sự thật của vạn vật
Và lảm nhảm về
“Thượng đế” và “Phật”
Thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy
Con Đường thật.
Tôi thích bộ xương này… Hắn thấy mọi sự rất rõ, như chúng là. Tôi nằm đó với tiếng gió giữa những hàng thông thì thầm trong tai và ánh trăng thu nhảy múa trên mặt.
Cái gì không là mơ? Ai sẽ không kết thúc là một bộ xương? Chúng ta hiện diện như là những bộ xương có da bao bọc – đàn ông đàn bà – và mê đắm nhau. Nhưng khi hơi thở chấm dứt, da vỡ, sinh lý biến mất, và chẳng còn cao thấp. Bên dưới lớp da của người mà ta đang ôm ấp vuốt ve chẳng gì khác hơn là một bộ xương khô. Hãy nghĩ đến điều đó – cao và thấp, trẻ và già, đàn ông và đàn bà, tất cả đều như nhau. Hãy tỉnh thức về điều hệ trọng này và bạn sẽ lập tức hiểu ‎ý nghĩa của “không sinh và không tử”.
Nếu các mảnh đá
Có thể nhắc nhở
Đến người chết,
Thì các cối giã trà
Có thể là mộ bia tốt hơn.
Con người thật sự là những sinh linh đáng sợ.
Một vầng trăng
Sáng và trong
Trên bầu trời không một gợn mây;
Vậy mà chúng ta loạng choạng
Trong bóng tối của thế giới.
Nhìn kỹ đi – ngưng thở, gỡ lớp da, và tất cả mọi người rốt cuộc nhìn như nhau. Không cần biết bạn sống bao lâu, kết quả không thay đổi (kể cả hoàng đế). Vất đi cái ý niệm là “tôi hiện hữu.” Trao thân mình cho những đám mây trôi trong gió, và đừng mong sống mãi.
Thế giới này
Chỉ là
Một cơn mơ thoáng qua
Vậy sao lại run sợ
Tính hay bay biến của nó?
Quãng đời của bạn đã được định sẵn và mọi thỏa hiệp với thần linh để kéo dài nó ra đều vô ích. Hãy tập trung tâm trí vào một vấn đề lớn của sống và chết. Đời sống tận cùng bằng sự chết, đó là điều hiển nhiên.
Các đột biến của cuộc đời
Dù đau nhức,
Dạy chúng ta
Đừng bám chặt
Vào thế giới phù du này.
Tại sao người ta
Tốn phí trang sức
Trên bộ xương này
Khi nó đã được định phải biến mất
Chẳng lưu dấu vết?
Thân thể nguyên thủy
Phải trở về
Nơi nguyên thủy của nó:
Đừng tìm
Cái không tìm được.
Không ai thực sự biết
Bản chất của sinh
Hoặc nơi ở thật:
Chúng ta trở về nguồn
Và trở thành cát bụi.
Nhiều con đường bắt đầu
Từ chân núi
Nhưng tại đỉnh núi
Tất cả chúng ta ngắm nhìn
Một vầng trăng sáng.
Nếu tại cuối cuộc hành trình
Không có nơi
An nghỉ cuối cùng
Thì chúng ta không cần phải sợ
Lạc đường.
Không có khởi đầu,
Không có chấm dứt;
Tâm ta
Sinh ra và chết:
Cái không của không!
Lơ đểnh
Và tâm
Chạy loạn xạ;
Kiểm soát tâm
Và bạn có thể gạt nó sang một bên.
Mưa, mưa đá, tuyết và băng:
Tất cả đều rời rạc
Nhưng khi rơi xuống
Chúng trở thành một dòng nước
Của con suối trong lòng thung lũng.
Những cách hiển lộ
Chân Tâm đều khác nhau
Nhưng trong mỗi một cách
Ta có thể thấy
Cùng một sự thật thiêng liêng.
Hãy lấp kín con đường của bạn
Bằng lá thông rụng
Để không ai có thể
Biết được
Nơi ở thật của bạn.
Thật vô ích
Những tang lễ không ngừng trên núi Toribe:
Những người than khóc không nhận ra
Họ sẽ là người kế tiếp hay sao?
“Cuộc đời phù du!”
Chúng ta suy tư nhìn cảnh
Khói bay trên núi Toribe:
Nhưng khi nào chúng ta nhận ra
Rằng ta đang ở trên thuyền hỏa táng?
Tất cả chỉ là hão huyền!
Sáng nay,
Một người bạn khỏe mạnh,
Chiều nay,
Vài sợi khói hỏa táng.
Tội nghiệp!
Khói chiều trên núi Toribe
Bị thổi lồng lộn
Tới lui
Với gió.
Khi hỏa táng
Nó thành tro,
Và thành đất khi chôn.
Phải chăng chỉ có tội lỗi của ta
Là còn sót lại?
Tất cả tội lỗi
Đã phạm
Trong ba thế giới (*)
Sẽ phai mất
Cùng với tôi.
Thế giới là vậy đó. Những kẻ không nắm được lẽ vô thường của thế giới kinh ngạc và sợ thất thần vì những thay đổi đó. Rất ít người ngày nay kiếm tìm sự thật của Phật pháp, và các tu viện thì trống rỗng. Các sư ngày nay đa số là dốt nát và lãng tránh ngồi thiền như là một phiền phức; họ lười biếng thiền định, họ tập trung vào trang trí chùa chiền. Thiền tọa của họ là giả tạo, và họ chỉ mang mặt nạ các nhà sư – những chiếc áo chùng họ mang sẽ trở thành những bộ áo giáp tra tấn một ngày nào đó.
Trong vũ trụ của sinh và tử, sát sinh sẽ đưa vào địa ngục, tham lam đưa đến tái sinh thành ma đói; si mê làm người ta tái sinh thành súc vật; sân hận biến người ta thành quỷ. Tuân theo giới luật và bạn sẽ tái sinh là người. Làm việc thiện và bạn sẽ lên hàng trời. Trên sáu cõi này còn bốn cấp độ của Phật tử Trí Tuệ, tổng cộng là 10 cõi giới. Tuy nhiên, một Niệm Giác Ngộ cho thấy tất cả các cõi giới này đều là không, chẳng có gì giữa chúng, và ta chẳng nên ghê tởm, sợ hãi hay ham mê chúng. Hiện hữu chẳng là gì hơn một làn mây mỏng trên bầu trời mênh mông hay bọt bóng trên mặt nước. Không một niệm nào khởi sinh trong tâm, nên không có điều gì được tạo sinh. Tâm và vật là một, và là không, tuyệt đối chẳng nghi ngờ.
Sự sinh của con người cũng như lửa – bố là đá lửa, mẹ là hòn đá, và tia lửa tóe ra là đứa con. Lửa được khởi sinh từ các thành tố căn bản và cháy cho đến khi hết nguyên liệu. Sự ân ái giữa bố và mẹ tóe ra tia sống. Vì bố mẹ không có điểm khởi đầu, nên họ cũng chập choạng mờ ra; tất cả mọi thứ đến từ không – nguồn của mọi hình sắc. Hãy tự giải thoát mình khỏi hình sắc và trở về với nền tảng khởi thuỷ của hiện hữu. Từ nền tảng này, cuộc đời đi ra, nhưng hảy xả bỏ luôn cả ‎ý niệm này.
Chẻ toang ra
Một cây se-ri
Và chẳng có đóa hoa nào cả
Nhưng gió xuân
Mang đến hàng loạt bông hoa!
Không có cầu
Nhưng mây đi lên nhẹ nhàng
Đến tận thiên đàng;
Chẳng cần phải lệ thuộc vào điều gì cả
Phật Thích Ca dạy.
Phật Thích Ca thuyết pháp trong 50 năm, và khi đệ tử Ca Diếp hỏi ngài tinh yếu của giáo pháp, Phật nói, “Từ đầu đến cuối ta chưa hề nói lời nào,” và đưa lên một đóa hoa. Ca Diếp mỉm cười và Phật trao đóa hoa cho Ca Diếp, và nói những lời này: “Con đã nắm được Diệu Tâm của Chánh Pháp.” “Ý thầy là sao?” Ca Diếp hỏi. “Năm mươi năm thuyết giảng của thầy,” Phật nói, “hằng mời gọi con luôn luôn, như là gọi đứa trẻ vào vòng tay với lời hứa phần thưởng.”
Đóa hoa giáo pháp này không thể diễn tả được bằng vật thể, ‎ý niệm hay lời nói. Nó không phải là vật chất hay tâm linh. Nó không phải là kiến thức. Giáo Pháp của chúng ta là Đóa Hoa của Một Cổ Xe chở tất cả Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó mang 28 tổ sư Ấn Độ và 6 tổ sư Trung quốc; nó là nền tảng nguyên thủy của hiện hữu – tất cả hiện hữu. Tất cả mọi sự đều không có điểm khởi đầu và như vậy tất cả đều gồm trong nó. Tám cảm quan (**), bốn mùa, tứ đại (đất, nước, lửa, gió), tất cả đều đến từ không, nhưng ít người nhận ra điều này. Gió là hơi thở, lửa là hoạt động, nước là máu; khi xác thân bị chôn hay đốt nó trở thành đất. Nhưng tứ đại cũng không có khởi đầu và chẳng bao giờ trường tồn.
Trong thế giới
Mọi thứ, chẳng trừ gì,
Đều không thật:
Ngay cả sự chết cũng là
Hư ảo.
Ảo tưởng tạo ra ảo ảnh là dù thân xác chết, linh hồn vẫn tồn tại – đây là một lầm lỗi lớn. Người giác ngộ nói rằng cả thân xác và linh hồn tan biến với nhau. “Phật” là không, và trời và đất trở về với nền tảng nguyên thủy của hiện hữu. Tôi đã gạt qua một bên 80 ngàn quyến kinh và gởi đến các bạn tinh túy trong quyển ngắn này. Nó sẽ mang an lạc đến với các bạn.
Viết điều gì
Để lại
Cũng lại là một loại mơ nữa
Khi tôi tỉnh thức tôi biết rằng
Sẽ chẳng có ai đọc nó.
Thiền sư Ikkyu
Trần Đình Hoành dịch từ tiếng Anh
TĐH chú thích:
(*) Ba thế giới (tam giới) là dục giới (thế giới của ham muốn), sắc giới (thế giới của hình sắc), vô sắc giới (thế giới vô hình).
(**) Tám giác quan đây là ngũ quan của cơ thể – sắc, thanh, hương, vị, xúc – và 3 cảm quan về ý: ‎ý thức, mạt-na thức, a-lại-da thức.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phương pháp nâng nhiệt độ cơ thể (Hyperthemia) || Bệnh Ung thư

Học Yoga ở đâu Quận 7?

Khoảng cách bắt đầu từ trái tim

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách

Miso chua

Thiền chính là cuộc sống

BÀI VIẾT NHIỀU NGƯỜI XEM

Thiền chính là cuộc sống

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách