Gudo và Thiên hoàng
Thiên hoàng Goyozei học Thiền với Gudo. Thiên hoàng hỏi: “Trong Thiền, tâm này là Phật. Phải không?
Gudo trả lời: “Nếu bần tăng nói ‘đúng’, hoàng thượng sẽ nghĩ là hoàng thượng hiểu trong khi không hiểu. Nếu bần tăng nói ‘sai’, bần tăng có thể nói ngược lại với điều hoàng thượng đã hiểu rất rõ.”
Một hôm khác Thiên hoàng hỏi Gudo:: “Người giác ngộ đi đâu khi chết?”
Gudo trả lời: “Bần tăng không biết.”
“Tại sao thầy không biết?” Thiên hoàng hỏi.
“Tại vì bần tăng chưa chết,” Gudo trả lời.
Thiên hoàng ngại hỏi thêm về những điều mà trí óc Thiên hoàng không hiểu nổi. Nên Gudo vỗ tay xuống sàn như là để đánh thức Thiên hoàng, và Thiên hoàng giác ngộ!
Sau khi giác ngộ Thiên hoàng càng tôn trọng Thiền và sư già Gudo hơn trước, ngay cả cho phép Gudo đội mũ trong cung trong mùa đông. Khi Gudo quá 80 tuổi, thiền sư thường ngủ gục trong khi giảng bài, và Thiên hoàng chỉ lặng lẽ lui sang phòng khác để người thầy yêu quý hưởng được giấc nghỉ cơ thể già lão của thầy đòi hỏi.
.
.
Bình:
• Các thiền sư cho học trò câu hỏi, nhưng không cho câu trả lời. Người học trò phải tự tìm ra câu trả lời bằng trực nghiệm (không phải bằng đọc sách hay nghe người khác). Và khi các câu trả lời đến, đó là lúc giác ngộ.
• Thiền sư không bao giờ đoán (bằng lý luận) chuyện mình không biết được bằng trực nghiệm, như là khi chết thì đi đâu.
(Ngoại trừ một câu trả lời ai trong chúng ta cũng thấy được, là khi ta chết ta tan rã vào vũ trụ, mà các thiền sư nói là “trở về với Không” như sóng tan vào biển. Xem bài thơ Các Bộ Xương của thiền sư Ikkyu).
• Giác ngộ xong càng trọng Thiền và thầy vì lúc đó mới biết được Thiền sâu đến đâu, thầy sâu đến đâu và mình chỉ mới đến đâu. Chưa giác ngộ thì chưa thấy được các điều này.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
Nhận xét
Đăng nhận xét