Con làm gì vậy! Thầy nói gì vậy!

Thời tân tiến này có rất nhiều lảm nhảm vô nghĩa về thầy và trò, và việc trò thừa kế giáo pháp của thầy, cho thầy quyền chuyển giáo pháp đến đệ tử tin cẩn. Dĩ nhiên là Thiền nên được chuyển tay cách này, từ tâm đến tâm, và khi xưa xảy ra như thế. Im lặng và khiêm tốn trị vì, thay vì chuyên nghiệp và đòi hỏi. Người tiếp nhận giáo pháp cách đó dấu chuyện đó trong lòng đôi khi cả 20 năm. Cho đến khi có một người khác, do chính nhu cầu của anh ta, khám phá ra là có một sư phụ ngay bên cạnh mình, lúc đó việc giáo pháp đã được thừa kế mới có người biết, và ngay cả những lúc đó, câu chuyện xảy ra một cách tự nhiên và giáo pháp toàn quyền tự định đường đi của nó. Không bao giờ một người thầy tuyên bố “Tôi là truyền nhân của vị-này-vị-nọ.” Những tuyên bố như vậy chính là bằng chứng ngược lại.

Thiền sư Mu-nan chỉ có một truyền nhân. Tên của anh ta là Shoju. Sau khi Shoju đã hoàn tất Thiền học, Mu-nan gọi Shoju vào phòng. “Thầy già rồi,” Mu-nan nói, “và theo thầy biết, Shoju, con là người duy nhất sẽ tiếp tục gánh vác giáo pháp này. Đây là một quyển sách. Nó đã được truyền tay từ sư phụ đến sư phụ cả 7 đời. Thầy cũng đã thêm nhiều điểm vào đó, theo hiểu biết của thầy. Quyến sách rất có giá trị, và thầy trao nó lại cho con làm biểu tượng cho sự thừa kế của con.”
“Nếu quyến sách quan trọng như vậy, thầy nên giữ nó,” Shoju trả lời. “Con đã nhận Thiền của thầy không từ ngữ và con hài lòng với nó như vậy.”
“Thầy biết vậy,” Mu-nan nói. “Dù vậy thì quyển cách này cũng đã được cả 7 đời sư phụ mang nó, vậy con có thể giữ nó như là một biểu tượng là con đã tiếp nhận giáo pháp. Đây nè.”
Lúc đó hai người đang nói chuyện trước một lò than. Ngay khi quyển sách vừa chạm tay, Shoju ném nó ngay vào đống than hừng hực. Shoju chẳng tha thiết gì đến việc sở hữu.
Mu-nan, người chưa bao giờ nổi giận trước đó, la: “Con làm gì vậy!”
Shoju la lại: “Thầy nói gì vậy!”
.
Bình:
• Shoju là thiền sư Shoju Rojin, thầy của thiền sư Vậy À Hakuin.
Dù Hakuin chỉ học với Shoju tám tháng, Hakuin luôn luôn xem Shoju là vị thầy chính của mình. Shoju là một vị thầy cực kỳ đòi hỏi, chưởi mắng la lối Hakuin thường xuyên để thúc Hakuin đến giác ngộ.
• Shoju nói với thầy Mu-nan: “Con đã nhận Thiền của thầy không từ ngữ”. Vậy có nghĩa là tiến trình huấn luyện của Mu-nan cho Shoju chẳng lệ thuộc vào kinh sách, và có lẽ là lệ thuộc nhiều vào thiền định để quán các công án (vì đây là cách huấn luyện chính của Hakuin cho dòng thiền Lâm Tế sau này).
• Thế có nghĩa là không cần sách.
Nhưng không cần thì cũng cứ giữ nó như là biểu tượng của kế vị, mắc gì mà phải “ném sách vào mặt thầy” và ngang nhiên xóa bỏ truyền thống của cả 7 đời tổ sư của môn phái?
Việc này có lẽ quan trọng hơn là việc cần đọc sách hay không, hoặc Shoju có nhấm một lít sakê trước đó không.
Truyền thống thừa kế chỉ truyền lại cho một người–như là người duy nhất có được giáo pháp–làm cho giáo pháp không phát triển được, cứ như là một cây mà tất cả các cành đều bị chặt bỏ và luôn luôn chỉ chừa một cành. Cây đó cũng sẽ èo uột mà chết. Đây là một cái hại cần dẹp bỏ.
Hakuin kể lại lời Shoju: “Thiền tông của chúng ta bắt đầu xuống dốc vào cuối đời Nam Tống. Đến đời Minh, việc truyền học đã rơi xuống đất, tiêu tán dần. Ngày nay, cái còn lại chỉ là thuốc độc thật ở Nhật. Nhưng vậy mà cũng chẳng được nhiều. Cứ như là tìm sao trên trời giữa ban ngày. Còn các con, mấy thằng mù thối tha trọc đầu, mấy thằng nhóc đần độn rách rưới, chúng mày chưa đạp nhằm Thiền ngay cả trong mộng.”
Có lẽ chính vì vậy mà cần cải tổ chính sách, không thể gạt bỏ nhân tài được, cần phải chấm dứt chế độ truyền giáo pháp cho chỉ một người.
Hakuin sống từ 1686 đến1769. Shoju cũng chỉ sớm hơn Hakuin vài mươi năm. Cả 1,000 năm trước đó, lục tổ Huệ Năng ( 638-713) ở Trung quốc đã bãi bỏ tục lệ truyền y bát cho truyền nhân (vì vậy mà thiền tông không có tổ nào sau tổ thứ sáu).
Sau Shoju, Hakuin dạy cả nghìn học trò, và chứng nhận cho hơn 80 học trò là truyền nhân chính thức (và tất cả mọi thiền sư Lâm Tế Nhật Bản ngày nay là từ Hakuin mà ra).
• Shoju bỏ tục lệ đó, ngay trước mặt thầy, ngay giây phút được kế vị, vì Shoju yêu thầy và thành thật với thầy, không nỡ gạt thầy là chẳng có gì xảy ra cả, đợi đến khi thầy chết mới lo cải tổ.
Và phải làm chớp nhoáng như thế, nếu không thì sẽ kẹt với tình cảm sâu đậm của thầy với quyển sách đã qua 7 đời truyền kế.
• Có lẽ là theo truyền thống, ngay giây phút truyền thừa, thầy hết việc và truyền nhân chịu trách nhiệm 100%.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phương pháp nâng nhiệt độ cơ thể (Hyperthemia) || Bệnh Ung thư

Học Yoga ở đâu Quận 7?

Khoảng cách bắt đầu từ trái tim

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách

Miso chua

Thiền chính là cuộc sống

BÀI VIẾT NHIỀU NGƯỜI XEM

Thiền chính là cuộc sống

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách