Ryonen đắc ngộ

Ni cô Ryonen sinh năm 1797. Cô là cháu của Shingen, một võ tướng nổi tiếng của Nhật. Thiên tài thi phú và sắc đẹp khuynh thành của cô tuyệt đến mức mới 17 tuổi cô đã thành người hầu cận của hoàng hậu. Dù còn trẻ thế, danh vọng đang chờ đợi cô.
Hoàng hậu yêu quý chết bất thần và mọi giấc mơ của Ryonen tiêu tán. Cô thấy rất rõ tính vô thường của đời sống trong thế giới này. Vì vậy cô muốn học thiền.

Tuy nhiên, thân nhân của cô không đồng ‎ý và ép cô lập gia đình. Với lời hứa hẹn là cô có thể đi tu sau khi đã sinh ba đứa con, Ryonen đồng ý. Cô làm tròn điều kiện này trước khi đầy 25 tuổi. Chồng cô và mọi người thân chẳng thể cản cô được nữa. Cô cạo đầu, lấy tên là Ryonen, có nghĩa là đạt ngộ sáng lạn, và bắt đầu hành hương.
Cô đến thành phố Edo và xin thiền sư Tetsugya nhận làm đệ tử. Nhưng chỉ liếc mắt qua một tí là thiền sư đã từ chối, vì cô quá đẹp.
Ryonen đến gặp một thầy khác, Hakuo. Hakuo cũng từ chối với cùng lý do, nói là sắc đẹp của cô chỉ gây rắc rối.
Ryonen lấy một thanh sắt nóng ép vào mặt. Chỉ trong một lúc là sắc đẹp của cô đã tiêu tán vĩnh viễn.
Hakuo bèn nhận cô làm đệ tử.
Để k‎ỷ niệm chuyện này, Ryonen viết một bài thơ trên mặt sau của một tấm gương nhỏ:
Phục vụ Hoàng Hậu, ta đốt hương xông thơm quần áo lụa là
Nay khất thực không nhà, ta đốt mặt để vào thiền viện.”
Khi sắp sửa lìa đời, cô viết một bài thơ khác:
Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến mùa thu thay đổi.
Ta đã nói đủ về ánh trăng,
Đừng hỏi nữa.
Hãy chỉ lắng nghe tiếng nói của thông và tuyết tùng khi gió lặng.

.
Bình:
• Ryonen không những đẹp mà còn rất trí tuệ khi còn trẻ. Một biến cố là đủ để cô nhận chân tính vô thường của đời sống.
• Và ‎ý chí thật là vững chắc. Đã nói đi tu là đi tu, chẳng có gì cản được, kể cả sắc đẹp của mình.
Có lẽ cô đã giác ngộ cả trước khi đi tu.

• Các thiền sư thường làm một bài thơ trước khi qua đời, gọi là “bài thơ chết” (the death poem). Đây là lời dạy cuối cùng, và do đó là lời dạy quan trọng nhất, của người ra đi. Bài thơ chết của Ryonen cũng không ngoài lệ đó:
Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến mùa thu thay đổi: Ta đã thấy rất rõ lẽ vô thường (trong 66 năm sống).
Ta đã nói đủ về ánh trăng, đừng hỏi nữa: Ta đã nói đủ về giác ngộ, về tỉnh thức, đừng hỏi nữa.
Hãy chỉ nghe tiếng nói của thông và tuyết tùng khi lặng gió: Hãy chỉ nghe tiếng nói của tĩnh lặng.
• Tất cả những người đã đắc đạo đều dạy chúng ta “nghe” tiếng nói của tĩnh lặng, nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Đây là một chân l‎ý mà người chưa nắm được không thể hiểu được.
Thực ra vấn đề rất giản dị để ta có thể trực nghiệm hàng ngày, nếu ta muốn trực nghiệm: Khi một đám đông đang điên cuồng hò hét “Giết nó! Giết nó!”, nếu bạn không chạy theo đám đông và có thể ngồi tĩnh lặng, bạn sẽ thấy vấn đề rõ và sâu hơn đám đông rất nhiều. Nhiều điều bạn thấy, chẳng ai trong đám đông thấy cả.
Khi chúng ta tĩnh lặng chúng ta nghe tiếng nói của trí tuệ từ trong tĩnh lặng.
• Tĩnh lặng đây không có nghĩa chỉ là (1) mất hết âm thanh, mà còn là (2) mất hết các dao động trong tâm—tức giận, buồn chán, ghen ghét, v.v… và mất hết (3) các suy nghĩ và tư tưởng chạy ngược xuôi trong đầu.
Tâm hoàn toàn rỗng lặng.
• Bạn muốn hiểu sâu xa các hiện tượng chính trị, kinh tế, giáo dục… của xã hội, hay những hỉ nộ ái ố bi lạc dục trong lòng bạn? Sâu xa hơn người khác, và hơn cả chính bạn, rất nhiều?
Vậy thì, tĩnh lặng.
Nhiều người tưởng là đọc nhiều, ngốn nghiến nhiều sách vở và thông tin. Không. Không phải vậy.
Tĩnh lặng. Và bạn sẽ đọc một hiểu mười.
(Không tĩnh lặng, và bạn sẽ đọc mười hiểu một).
(Trần Đình Hoành dịch và bình)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phương pháp nâng nhiệt độ cơ thể (Hyperthemia) || Bệnh Ung thư

Học Yoga ở đâu Quận 7?

Khoảng cách bắt đầu từ trái tim

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách

Miso chua

Thiền chính là cuộc sống

BÀI VIẾT NHIỀU NGƯỜI XEM

Thiền chính là cuộc sống

Lời khuyên của mẹ

Ấn hành kinh sách