Miso chua
Sư nấu bếp tại Dairyo, tu viện của thiền sư Bankei, quyết định là sư sẽ chăm sóc kỹ càng sức khỏe của lão sư phụ của mình và sẽ chỉ cho sư phụ ăn Miso tươi, làm từ đậu nành, lúa mì và men đánh nhuyễn và để lên men. Bankei, thấy là mình được phục vụ miso tốt hơn miso của các đệ tử, liền hỏi: “Ai là người nấu ăn hôm nay?”
Dairyo được gọi đến gặp thầy. Bankei nghe trình là theo tuổi tác và địa vị của thầy, Bankei chỉ nên ăn miso tươi. Cho nên Bankei nói với sư nấu ăn: “Vậy chú nghĩ là thầy không nên ăn gì hết.” Nói xong, Bankei bước vào phòng riêng và khóa cửa.
Dairyo được gọi đến gặp thầy. Bankei nghe trình là theo tuổi tác và địa vị của thầy, Bankei chỉ nên ăn miso tươi. Cho nên Bankei nói với sư nấu ăn: “Vậy chú nghĩ là thầy không nên ăn gì hết.” Nói xong, Bankei bước vào phòng riêng và khóa cửa.
Dairyo, ngồi ngoài cửa, xin lỗi thầy. Bankei không trả lời. Cả bảy ngày, Dairyo ngồi bên ngoài và Bankei ở bên trong.
Cuối cùng, trong tuyệt vọng một đệ tử nói thật to cho Bankei: “Thầy có thể không sao, lão sư phụ, nhưng anh chàng đệ tử này phải ăn. Hắn không thể nhịn ăn mãi được!”
Đến lúc đó Bankei mở cửa. Thầy mỉm cười. Thầy nói với Dairyo: “Thầy nhất quyết ăn cùng loại thức ăn như những đệ tử thấp nhất của thầy. Khi chú trở thành sư phụ, thầy không muốn chú quên chuyện này.”
.
.
Bình:
• Bankei đây là Bankei yōtaku (eitaku), Bàn Khuê Vĩnh Trác, mà chúng ta đã nhắc đến trong truyện Giọng nói của hạnh phúc.
• Xem ra đây là một luật lệ ăn uống đã có sẵn trong tu viện nhưng Bankei không biết. Người đến tuổi nào đó và có chức vị nào đó thì được ăn uống loại thực phẩm nào đó. Đây là ăn uống theo “hệ cấp” và Bankei chống đối “hệ cấp”. Nếu Bankei yếu sức khỏe hay bệnh hoạn và đầu bếp nấu thức ăn đặc biệt để chữa bệnh, chắc là thiền sư không phiền hà gì.
• Xã hội con người là xã hội hệ cấp dày đặc tới nghẹt thở: Chức vị đi trước hay sau tên (bác sĩ, luật sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư, giáo viên… cô, dì, chú, bác..); văn phòng (làm lớn văn phòng lớn, làm nhỏ văn phòng nhỏ), xe cộ (làm lớn đi xe có tài xế), áo quần (làm lớn mặc veston, làm nhỏ mặc quần jean), lương bỗng.…
Nói chung là các thứ trang điểm cho hệ cấp này như vài mươi lớp áo dày phủ kín người chúng ta. Rồi chúng ta có thể tự thêm vài tầng hệ cấp nữa bằng cách xưng hô ăn nói quan liêu từ trên nói xuống. Rốt cuộc, ta chỉ là một hình nộm to đùng đứng đuổi chim giữa đồng.
Khó ai thấy được con người thật của mình. Và rất có thể là mình cũng không biết được con người thật của mình, nếu mình không bao giờ trút bỏ các lớp vỏ.
Có lẽ là ta sẽ không bao giờ bỏ hết được tối thiểu là một bộ quần áo mặc trên người. Nhưng nếu ta có thể trút bỏ rất nhiều bộ đồ đang chất chồng không cần thiết trên cơ thể, thì ta sẽ dễ thở và thong thả hơn rất nhiều, và nhiều người sẽ thích thú con người thật của ta, hơn là một hình nộm tới 27 lớp áo quần.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
Nhận xét
Đăng nhận xét